H.POT - HIV multilingual info Japan

Xin chào

Gửi đến các bạn đang sinh sống tại Nhật Bản
Dự án “HIV Map”, một trang web cung cấp thông tin về HIV xin trân trọng giới thiệu một số thông tin quan trọng và cần thiết về HIV/AIDS và đời sống tình dục của người đồng giới và nam lưỡng giới (bisexual).

HIV là gì?

HIV là tên của 1 loại virut gây ra Hội chứng Suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS). HIV có khả năng lây nhiễm khi tiếp xúc với dịch cơ thể của người có HIV, như tinh dịch hoặc máu, qua niêm mạc hay vết thương của người chưa nhiễm. Sự lây nhiễm HIV phần lớn xảy ra qua quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su hoặc dùng chung bơm kim tiêm không vô trùng. HIV không thể bị lây nhiễm qua hoạt động thường ngày như dùng chung các dụng cụ ăn uống hay nhà vệ sinh.

AIDS là gì?

AIDS là tình trạng hay một tập hợp các bệnh được tạo ra bởi virut HIV. Sau khi virut HIV đi vào cơ thể người, virut sẽ tấn công hệ thống miễn dịch, thường sau vài năm khiến cho hệ thống phòng thủ bệnh tật của người nhiễm yếu đi làm cho họ dễ dàng bị mắc các loại bệnh khác. Khi hệ miễn dịch của người nhiễm HIV yếu đến mức cơ thể họ mắc các loại bệnh mà hệ miễn dịch của người bình thường có thể ngăn cản, khi đó họ đã chuyển sang AIDS (Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải). Nếu không được điều trị kịp thời và hệ miễn dịch tiếp tục yếu đi, AIDS có khả năng gây ra tử vong

HIV có đang lây nhiễm ở Nhật Bản không?

Tại nhật bản, kể từ năm 2007, cứ mỗi năm lại có khoảng 1.500 người phát hiện ra họ dương tính với HIV. Các số liệu cho thấy nguyên nhân chính gây ra lây nhiễm HIV là quan hệ tình dục đồng giới nam và có một sự tăng mạnh trong số lượng người ngoại quốc sinh sống tại Nhật bản nhiễm HIV qua quan hệ tình dục đồng giới. Chỉ có xét nghiệm HIV mới biết người có HIV hay không. Do đó có nhiều người không hề biết mình nhiễm HIV vì không được xét nghiệm. Vì thế số lượng người nhiễm HIV có thể cao hơn số nhiễm được biết tại Nhật Bản.

Làm thế nào để phòng lây nhiễm HIV?

Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục là cách tốt nhất để phòng chống lây nhiễm HIV. Quan hệ qua đường hậu môn có thể gây ra lây nhiễm HIV đối với cả người nhận (thụ) lẫn người cho (công). Đối với quan hệ qua đường miệng, người nhận tinh dịch có nguy cơ lây nhiễm HIV cao hơn, do đó cũng nên dùng bao cao su khi quan hệ qua đường miệng. Nguy cơ bị lây nhiễm HIV sẽ tăng lên nếu bạn tình có các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) như: ”Giang Mai, mào gào (Herpes), Chlamydia…”. Vì thế xét nghiệm bệnh lây truyền qua đường tình dục là vô cùng quan trọng, và nếu các bạn có những triệu chứng của STI, hãy đến gặp bác sĩ sớm nhất có thể.

Làm thế nào để bạn nhận biết mình có bị nhiễm HIV?

Một số người sẽ gặp một số dấu hiệu của bệnh cúm sau 2-4 tuần nhiễm HIV. Tuy nhiên một số thì lại không gặp phải triệu chứng nào hết. Cho nên không thể chẩn đoán HIV qua các dấu hiệu trên. Cách duy nhất để biết bạn có nhiễm HIV là xét nghiệm máu. Tuy nhiên xét nghiệm máu ngay sau khi quan hệ tình dục không an toàn có thể không chính xác vì HIV cần thời gian để phát triển và cho kết quả dương tính. Nên chờ 2-3 tháng sau thời điểm có thể tiếp xúc HIV để xét nghiệm là thích hợp nhất. Chúng tôi khuyến cáo rằng những người đàn ông quan hệ đồng giới nên đi xét nghiệm HIV thường xuyên

Xét nghiệm HIV ở đâu và bằng cách nào?

Bạn có thể được xét nghiệm HIV miễn phí và dấu tên mình tại các trung tâm y tế nhà nước tại Nhật. Bạn không nhất thiết phải đưa tên và địa chỉ của mình. Sự riêng tư của bạn sẽ được tôn trọng một cách nghiêm ngặt. Tuy nhiên các trung tâm y tế giao tiếp bằng tiếng Anh lại không phổ biến, do đó trước khi xét nghiệm, bạn nên tư vấn với các đường dây trợ giúp về ngôn ngữ hoặc các tổ chức phi lợi nhuận (NPOs) đề được hỗ trợ thông dịch viên. Ngoài ra bạn cũng có thể xét nghiệm tại các bệnh viện hoặc phòng khám, tuy nhiên xét nghiệm tại đây lại không miễn phí hay ẩn danh.

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn dương tính với HIV?

Nếu kết quả của cuộc xét nghiệm là bạn dương tính với HIV, nơi xét nghiệm sẽ kết nối bạn với bệnh viện hoặc phòng khám điều trị HIV. Nhật Bản không có luật lệ nào cấm những người dương tính với HIV sống tại đây, do đó không ai sẽ bị trục xuất. Hơn nữa, các cơ sở y tế bắt buộc phải điều trị tất cả các bệnh nhân bất kể quốc tịch hay trạng thái cư trú. Tuy nhiên số các cơ sở có khả năng khám chữa bệnh dùng tiếng Anh lại hạn chế, vậy nên trước khi khám, người có HIV nên tư vấn với các trung tâm y tế cộng đồng hoặc các tổ chức phi lợi nhuận về việc nên đi bệnh viện hoặc phòng khám nào để điều trị. Tại bệnh viện, người nhiễm HIV sẽ nhận được các xét nghiệm tiếp theo để đánh giá tình trạng của hệ miễn dịch, và sau đó họ sẽ được tư vấn về điều trị. Hầu hết tất cả những ai sinh sống tại Nhật Bản quá 3 tháng để học, làm việ đều đủ điều kiện để sử dụng bảo hiểm y tế công. Tuy nhiên có một số ngoại lệ, bạn nên tham vấn thêm với nơi bạn làm việc hay học tập về bảo hiểm. Ngoài ra người dương tính với HIV còn nhận được phúc lợi để cắt giảm chi phí điều trị. Các nhân viên làm việc tại bệnh viện hoặc các tổ chức phi lợi nhuận (NPOs) sẽ hướng dẫn người nhiễm HIV cách nhận được các phúc lợi này.

Điều trị HIV/AIDS

Hiện tại không có bất cứ thuốc nào chữa hết HIV, tuy nhiên những người có HIV có thể sử dụng các thuốc kháng virut giúp ngăn ngừa tăng sinh số lượng virut trong cơ thể. Dùng các thuốc này liên tục và đúng cách có thể giúp người có HIV sống như không nhiễm HIV. Bạn nên phát hiện mình nhiễm HIV và nhận được điều trị càng sớm càng tốt. Một khi giai đoạn điều trị đã bắt đầu, việc tuân thủ sử dụng thuốc hàng ngày là vô cùng quan trọng. Kể cả khi HIV đã tiến triển thành AIDS, điều trị hiệu quả hoàn toàn có thể khôi phục lại thể trạng cơ thể của người bệnh.

【U=U】HIV Undetectable=Untransmittable【U=U】HIV Undetectable=Untransmittable